Giới thiệu Chợ_Quán

Chợ Tân Kiểng trên bản đồ Gia Định 1815 do Trần Văn Học vẽ.

Chợ Tân Kiểng được thành lập năm 1748, trên đất làng Tân Kiểng (vốn tên Tân Cảnh, do kỵ húy Hoàng tử Cảnh, nên phải nói trại), tục gọi Xóm Lò Rèn Thợ Vắp, thuộc tổng Dương Hòa, huyện Bình Dương, trấn Phiên An, Gia Định thành.

Năm 1836, chợ thuộc thôn Tân Phong Thượng, huyện Tân Long, tỉnh Gia Định. Đến năm 1880, chợ thuộc thôn của tổng Dương Minh, hạt 20.

Sau, ba làng là Tân Kiểng, Nhơn Giang (trước 1885 mang tên Nhơn Ngãi), Bình Yên sáp nhập lại làm một, hình thành vùng Chợ Quán.

Và theo sách Sài Gòn năm xưa của Vương Hồng Sển, sở dĩ gọi là chợ Quán vì thuở trước chợ nhóm họp dưới gốc những cây me đại thọ lối nhà thương Chợ Quán hiện nay. Chung quanh chợ có nhiều quán xá lốc cốc tựu một chỗ nên đặt tên làm vậy. [1].

Đến năm 1975, khu chợ xưa ở chỗ đình Tân Kiểng ngày nay, thuộc phường 22, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh, qua năm 1986, thì thuộc phường 2, quận 5.

Sách Gia Định thành thông chí chép về chợ Tân Kiểng như sau:

Chợ Tân Kiểng (tục gọi chợ Quán), cách trấn về phía nam hơn 6 dặm, phố chợ rất đông đúc, thường năm đến ngày Nguyên đán có tổ chức chơi đu tiên vân xa, đáng gọi là một chợ lớn. Từ trước, đến cuối năm thường có chém tù ở đây. Cách sông ở bờ phía đông, ngày trước có người Cao Miên là Nặc Đích theo Nặc Tha đến, cắm dùi sống luôn ở đấy, người này bèn làm cầu ngang qua sông để thông đến chợ, gọi là cầu Nặc Đích, sau trải qua loạn lạc nên hư hỏng. Đầu phía tây đường lớn có đồn (gần góc đường Trần Hưng ĐạoHuỳnh Mẫn Đạt ngày nay) bắt trộm cướp đóng giữ...[2].

Và cũng theo sách trên, thì Tham tán Nguyễn Tịnh, người trấn Quy Nhơn, bị quân Tây Sơn xử chém chết ở khu chợ này. Trước đây, ông Tịnh bị quân Tây Sơn bắt một lần, nhưng được tha. Về sau, ông lại tiếp tục theo phò chúa Nguyễn Phúc Thuần, nên bị bắt lần nữa và đã phải nhận cái chết năm 1777 [3].